Công Ty Cổ Phần Nông Nghiệp Hữu Cơ Fusa xuất khẩu vải thiều thành công sang Châu Âu: Câu chuyện thành công giữa mùa dịch

 

Việc xuất khẩu vải sang Hà Lan, sấu sang Australia cho thấy nếu bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp vào cuộc thì nhiều nông sản Việt Nam sẽ được xuất ngoại.

xuat-khau-hang

Sau khi lô hàng 22 tấn quả sấu đông lạnh của Công Ty Cổ Phần Nông Nghiệp Hữu Cơ Fusa xuất khẩu sang Australia mang về cho đất nước giá trị kim ngạch lên đến trên 390.000 AUD, tương đương 6,5 tỷ đồng, thì một doanh nghiệp tại Hà Lan đã thành công khi bỏ ra gần 1 tỷ đồng Việt Nam để thí nghiệm đưa 6 tấn vải thiều tươi sang châu Âu bằng container trong 5 tuần bằng đường biển và số hàng này đã tới Hà Lan cũng vào ngày 2/6.

Đây là tin vui và niềm hy vọng thực sự đối với bà con nông dân “một nắng hai sương”, cũng như khách hàng nước ngoài của Việt Nam trên thế giới.

Tại thị trường Hà Lan, quả vải tươi Việt Nam được giới thiệu tới khách hàng với giá 18 Euro/kg (tức là hơn 550.000 đồng/kg). Lô gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) hạ cánh sân bay Schipol (Hà Lan) hồi tháng 6 với mục tiêu phân phối cho các siêu thị Á châu tại Hà Lan, Pháp, Đức, thì trước đó 2 ngày, các thương vụ và doanh nghiệp của ta đã gửi sản phẩm mẫu đến tất cả các siêu thị Á Châu tại Hà Lan để thử và nhận được sự hưởng ứng mạnh của các chủ siêu thị.

Còn lô 6 tấn vải thiều Lục Ngạn lần này từ cảng Hải Phòng vượt biển đến cảng Rotterdam, Hà Lan, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, cảm xúc vỡ oà khi chúng tôi và khách hàng cảm nhận được mùi thơm vải chín, trong khi mùa vải của ta đã kết thúc từ lâu: “Thực sự rất tự hào và vui mừng vì đây là lần đầu tiên mở container xuất khẩu hàng vải tươi Việt Nam sang Âu. Đây là dấu mốc rất quan trọng để sau này các doanh nghiệp Việt Nam mình đầu tư cách bài bản hơn và mở ra một tương lai nữa là xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Âu một cách bền vững”.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan, việc đưa quả vải thiều Việt Nam sang Hà Lan gặp không ít khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu phải tận dụng cơ hội, để sớm giới thiệu quả vải tươi của Việt Nam đến người tiêu dùng trước khi vải Trung Quốc chính vụ vẫn xuất sang thị trường này hàng năm. Điểm cộng cho lô hàng vải nhập khẩu từ Việt Nam là có gắn tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát triển làm tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam.

Trước Hà Lan, quả vải Việt gắn tem truy xuất nguồn gốc cũng được xuất chính ngạch sang Pháp với giá bán hơn 500.000 đồng/kg và được tiêu thụ nhanh chóng. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, các vùng trồng nông sản xuất khẩu hiện nay cần được các ngành cấp Giấy chứng nhận trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Chúng ta sẽ phải làm công tác quảng bá về thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, cung cấp nhiều hơn cho thị trường nhập khẩu và để làm được điều này, Bộ Công thương cũng phải phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của mình không chỉ ở thị trường Việt Nam mà trên khắp thế giới”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Mỗi thị trường xuất khẩu có đặc điểm khác nhau, cần có sự hỗ trợ khác nhau và sự ứng phó của các ban, ngành, doanh nghiệp, nhất là trong đại dịch. Hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất sang thị trường châu Phi, nhưng khâu thanh toán là khó khăn nhất, vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam khó xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia này mà phải thông qua một nước thứ 3 ở châu Âu, sau đó mới xuất sang các nước châu Phi.

Với thị trường có 55 nước và dân số khoảng 1,3 tỷ người, chủ yếu dựa vào khai thác khoáng sản, dầu khí, nên đây là thị trường tiềm năng để các nước, trong đó có Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản như: gạo, hạt tiêu, hạt điều, dệt may, điện thoại di động, thiết bị và linh kiện… Việc thâm nhập vào thị trường châu Phi có rất nhiều thuận lợi do khu vực này khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đến mở văn phòng đại diện và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có trực tiếp trao đổi hàng hóa thông qua việc thường xuyên mở các hoạt động giao thương.

Về phương thức thanh toán thì cũng khá phức tạp bởi ngoài Nam Phi và một số nước Bắc Phi có một hệ thống ngân hàng khá phát triển thì những nước khác ở khu vực Trung Phi, Tây Phi thì hệ thống ngân hàng của họ chưa phát triển nên việc thanh toán, việc chuyển tiền hay việc đặt cọc đối với các giao dịch hàng hóa khá khó khăn. Bên cạnh đó, có tình trạng lừa đảo tại khu vực châu Phi, lừa đảo thanh toán trong thanh toán giữa Việt Nam với các nước châu Phi, thương vụ sẽ trình bày cho các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn để doanh nghiệp có thể phòng tránh khi có những giao dịch với các nước châu Phi”, bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương thông tin.

Trong khi dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, Bộ Công Thương thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và hệ thống thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương trực tuyến với các đối tác xúc tiến thương mại tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng.

Đây thực sự là những giải pháp thiết thực để tiếp tục phát triển và phát huy thêm những tiềm năng và lợi thế, để kết nối cung- cầu tạo đầu ra nhanh hơn, giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng lên, tháo gỡ một phần khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và ổn định kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực ngành hàng xuất khẩu theo hướng bền vững trong bối cảnh đại dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *